KỶ VẬT CỦA BA

Cập nhật : 20/08/2020
   
Lượt xem : 383

Tháng bảy lại về, mùa Vu Lan cũng sắp đến, gợi biết bao cảm xúc dâng trào trong mỗi chúng ta, khi chạnh nhớ đến hai đấng sinh thành tuổi đã xế chiều, hoặc có khi đã cỡi hạc quy tiên.

 

(Ảnh minh họa: Internet)



Mỗi người ai cũng trải cảm xúc theo cách riêng của mình, riêng con không biết viết gì chỉ hồi tưởng những chuyện đời thường đã qua như một cuốn phim đời, trong đó nhân vật chính là người đàn ông mới đầu rất lạ lẫm.

Năm ấy, vừa sau giải phóng con được tám tuổi. Mẹ ba mươi sáu tuổi với sáu đứa con nhỏ về sống với ông bà ngoại ở một vùng quê. Cuộc sống thật nhiều vất vả với một người Mẹ trẻ lại đông con.

Mỗi ngày lên rẫy Mẹ phải gánh hai đứa em nhỏ hai đầu thúng vô rẫy để làm, tụi con thì mang cuốc hoặc thức ăn trưa chạy theo sau, đường vô rẫy cát lún đi khó khăn lắm. Đến rẫy rồi để hai em nhỏ ở trong thúng dưới bóng cây, lấy khăn che trên đầu gióng cho em ngủ rồi Mẹ làm việc, khi nhổ đậu, lúc đào khoai, lượm củi,… làm theo mùa.

Hết mùa rẫy thì gặt lúa, Mẹ ra ruộng gặt lúa với ngoại, con ở nhà trông em, em nhỏ khát sữa khóc hoài, con nấu cháo lấy nước pha chút muối cho em, chưa kịp đút nước cháo cho đứa nhỏ, thì đứa lớn hơn cũng đói giành phần của em nhỏ uống hết, đứa nhỏ lại khóc, dỗ hoài em không nín, không biết làm sao con cũng khóc theo.

Cuộc sống của Mẹ con ngày ấy như thế, từng ngày qua ngày với bầy con thơ.

Một năm sau, có người đàn ông độ khoảng năm mươi tuổi xuất hiện, người ấy làm nghề mổ heo, ban ngày làm rẫy. Rẫy ông gần rẫy của ngoại, ngoại thấy ông ta hiền, siêng năng hay giúp đỡ Mẹ những công việc nặng nhọc đồng áng, vả lại người ấy cũng có tình cảm với Mẹ, nên ông bà ngoại mới gá nghĩa để Mẹ có bờ vai nương tựa, tụi con đỡ vất vả hơn. Từ khi có người đàn ông ấy đến, chúng con gọi bằng Ba theo lời người lớn dạy. Từ khi Ba Mẹ kết duyên, ông ngoại cho ra ở riêng, Ba cũng bỏ nghề mỗ heo vì ngoại nói nghề này sát sanh.
Người đàn ông ấy rất chi là yêu thương Mẹ và các em. Ông cáng đáng những việc nặng nề, dầm mưa dãi nắng, và đùm bọc những đứa con thơ như con của mình, nếu ai không biết nghĩ là một gia đình ruột thịt rất mực hạnh phúc.

Năm 1981 con vô Sài Gòn học tiếp, Ba Mẹ cũng vào Long Khánh lập nghiệp. Bắt đầu cuộc sống mới với bốn bàn tay trắng và những đứa em chưa đủ lớn. Cái gì làm lại từ đầu cũng vất vả gian truân, cả nhà đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy: nhổ cỏ, hái cà phê, hái tiêu, bẻ bắp,... chỗ thì ở nhờ nhà người quen. Dần dần nhiều năm tháng Ba Mẹ dành dụm và mượn thêm tiền mua được miếng đất nhỏ trỉa bắp trồng đậu sống qua ngày, rồi Ba cũng dựng được cái chòi nhỏ trên miếng đất của mình.

Nơi rừng sâu nước độc luôn hành hạ con người lao khổ bằng những trận bệnh sốt rét thừa chết thiếu sống. Vậy mà nhờ sự chung lưng đấu cật, nhờ ý chí nghị lực, trên hết vẫn là tình cảm gắn bó bền chặt nơi nền móng gia đình mọi khó khăn dần được khắc phục. Sau hơn mười năm làm việc vật vả cực nhọc cả gia đình cũng có được miếng vườn cà phê mấy mẫu như những nhà vườn khác.

(Ảnh minh họa: Internet)

Cuối năm 1994 mùa thu hoạch cà phê có giá cao, cả gia đình dành dụm tiền cũng mua được miếng đất gần đường lớn cất nhà. Lần đầu tiên gia đình có được cái nhà khang trang, đàng hoàng gần trường gần thị xã. Biết bao nhiêu mùa nắng mưa dầu dãi, bấy nhiêu con người ở trong cái nhà như cái chòi trong rẫy hễ mưa lớn là dột tứ nơi.

Năm 1995 con về gia đình sau hơn nhiều năm sống xa nhà, tình cảm Ba dành cho con vẫn chan chứa như thuở nhỏ năm nào, ngọt ngào đầm ấm khiến trái tim non rung cảm: không nơi nào bình yên hơn nơi này!

Vào tháng chạp gần giáp Tết, trời khuya sương xuống lạnh từ những rừng cao su, những vùng đồi núi cao phủ xuống các nương rẫy ở dưới thấp thật lạnh, lạnh lắm, ba giờ chiều là nghe lạnh rồi, tối bảy giờ trở lên rất lạnh. Có những buổi sáng Ba dậy sớm nấu trà uống, ở quê người lớn thường dậy rất sớm. Ở Sài Gòn nhiều năm về quê lạnh quá chịu không nổi, Ba thấy vậy mỗi sáng dậy sớm sau khi nấu trà xong Ba lấy nồi đất gấp than để dưới giường cho ấm để con dễ ngủ.

Buổi chiều sau những bữa ăn tối con và Ba hay ngồi lại ở nhà sau bên bếp lửa hồng đun nước để nói chuyện. Ba chia sẻ biết bao là chuyện đời đã gặp phải, những bài học của người xưa để lại cho Ba sự mạnh mẽ kiên cường trong cuộc sống.

Rồi hỏi chuyện lứa đôi của con. Ba nói ra giêng ngày dài tháng rộng gả chồng cho, Ba làm chủ hôn cho. Dù sao cũng ông chủ vườn cà phê mừ (Ba cười).
Không ngờ đó là lần hai cha con nói chuyện với nhau cuối cùng được ở bên Ba.

Ba định về quê ngày 27 âm lịch tháng chạp rồi 30 Tết vô lại nhà để đón Tết với sự có mặt các con đông đủ, Ba chuẩn bị một số quà rẫy: cà phê tự tay Ba rang và pha chế thơm lừng mùi hương bay khắp nương đồi, nào là tiêu hột chất lượng đem về biếu cho người thân, sẵn tiện viếng mộ ông bà cuối năm luôn.

Không hiểu sao đêm 26 Tết hôm ấy không tài nào chợp mắt, cứ thao thức nghĩ về Ba như cuốn phim chiếu lại thật chậm trong đầu, từ ngày đầu ngại ngùng gọi Ba đến cái bánh cái kẹo ông cho mà ấp úng không dám nói thành lời cảm ơn v.v...

Đêm thâu dài đến mấy cũng đến ngày rạng sáng, trở mình mệt mỏi sau một đêm không chợp mắt, hai bàn chân lạnh ngắt vừa thiếu nồi than hồng ấm áp mỗi buổi được sưởi ấm từ bàn tay Ba. Chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng xe Honda chạy gấp bên suối, linh tính không lành, vì trời mới mờ sáng, sương còn giăng đầy, đứa em trai thì chuẩn bị công việc tưới cà phê. Tiếng xe máy dừng trước chòi rẫy, con dậy đi ra thì đứa em họ tên Phú đã xuống xe, nhìn thấy vẻ mặt bơ phờ của con hơi khựng lại, nhưng rồi cậu ấy nói ngay:

- Chị Linh, dượng Sáu chết rồi.
Con hỏi lại: Sao chết? Bị gì mà chết?
- Dượng Sáu bị xe đụng chết, chết liền tại chỗ.

Trời ạ! Hình như đất bị lún nghiêng ngả thì phải, hai chân đứng không vững nữa vội ngồi xuống đất tại chỗ.

Con nói với Phú:
- Em về trước đi chị sắp xếp công việc nhà cửa rồi mấy chị em về liền.
Nó nói:
- Chị gửi rẫy cho anh Tâm coi dùm đi nha (Tâm là em họ ở sát rẫy nhà phía bên kia đồi)

Nó nổ máy chạy vội đi, con nghe có cái gì đó thật nghẹn ngào trong cổ họng. Gọi đứa em trai chở em gái út về trước, đứa em trai còn nói: công việc đầy mà giờ bỏ đi sao được.

Con nói như ra lệnh:
- Ba bị gì rồi nên thằng Phú chạy vô đây báo, em chở bé Út về đi, nếu Ba không sao thì em vô làm tiếp chứ không về là không được!

Thế rồi hai anh em cũng lên xe máy chạy vội đi. Còn một mình con ở lại với tâm trạng ngổn ngang trong lòng, thì ra một đêm thức trắng là điềm không bình thường của một cuộc đời, một kiếp người. Lấy hết sức bình tĩnh đi lên dốc, qua bên kia đồi nhờ hai vợ chồng đứa em họ tên Tâm xuống ở coi chừng chòi, rẫy. Nó hỏi có chuyện gì sao chị? Cảm xúc lúc đó tự nhiên vỡ òa, con không kiềm được nữa nói trong mếu máo, nước mắt tuôn trào.

- Dượng Sáu bị tai nạn xe đụng mất rồi, thằng Phú mới vô báo, hai em xuống coi nhà dùm chị, chị phải về làng ngay.

Với chiếc xe đạp mini của bé Út đi học hàng ngày, con vượt qua 5-6 km với đường dốc đá lồi lõm gập ghềnh, có lúc hoa mắt không thấy gì, lúc thì xuống dắt bộ, lúc thì cố đạp cho nhanh, ruột cứ cồn cào một cách khó tả.

Về tới nhà, nhà rất đông người, hàng xóm đã đưa xác Ba vô nhà, buông chiếc xe đạp chạy vô, Ba nằm đó trên chiếc giường giữa nhà đắp mền, nhìn gương mặt bầm tím sưng tròn như đang chìm vào giấc ngủ sâu. Con cố ghìm những giọt nuớc mắt nóng bỏng, hình ảnh trước mắt mờ nhạt một màu trắng đục. Mẹ không thể bình tâm được nói cứ lắp ba lắp bắp.

Mẹ kể lại: “Để chuẩn bị về quê, Ba nói đi ra đổ xăng cho đầy bình vô cột đồ (quà quê) lên xe rồi đi một thể. Chạy đường xa dừng lại tháo đồ xuống đổ xăng không tiện. Ông đưa cho Mẹ mấy trăm ngàn dặn Mẹ: “Đưa cho nhỏ Linh nhà mình mua đôi bông tai đeo, con gái nhà vườn mà không có được đôi bông tai đeo gì hết”. Rồi chạy xe đi, vì nhà ở trong con hẻm lớn trên dốc, Ba quẹo trái qua đường, chiếc xe khách trên đà đổ dốc, đụng Ba kéo đi cả chục mét mà không hề hay biết, bà con hai bên đường thấy cảnh ấy la inh ỏi, khi chiếc xe khách dừng lại, thì sự việc tang thương cũng đã xảy ra, người ta chạy vô nhà báo cho Mẹ, Mẹ không thể bình tâm vì vừa nói chuyện với Ba xong vậy mà sự vô thường đến trong tích tắc”.

Người thân cũng như hàng xóm ai cũng quá đỗi ngỡ ngàng trước sự đột ngột này, lại rơi vào những ngày cận tết. Dù có đau thương đến tận cùng mọi người đều bình tâm lo hậu sự cho kịp trước năm cũ.

Khi đưa Ba trở về với cát bụi, nhìn chiếc quan tài từ từ chìm sâu vào lòng đất, con biết từ đây âm dương cách biệt đôi đường, Ba con mình có duyên gặp nhau rất ngắn, nhưng Ba đã sống trọn kiếp người đúng nghĩa. Những giọt lệ lòng rơi âm thầm tận cùng nơi góc khuất, con đứng một mình giữa nghĩa địa mênh mông trong trạng thái mơ hồ, với nổi buồn hiu hắt hụt hẫng. Không khí lạnh lùng, ảm đạm trong những ngày tết Bao trùm căn nhà mới thiếu vắng bóng người Cha thân thương, cái Tết đầu tiên trong đời cả gia đình có được cái nhà đàng hoàng khang trang, nhưng có được niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn không? Chỉ còn lại mấy Mẹ con như mấy chục năm về trước, khác hơn là Mẹ đã già đi và tụi con đã trưởng thành.

Ba đã đến như một vị cứu tinh, tạo dựng cơ ngơi nhà cửa, rẫy vườn, chưa kịp nghỉ ngơi lấy một ngày, người ra đi để lại bao luyến thương, sầu nhớ, ơn người như thế có lớn không? Có đáng được báo đáp không? Có được trân trọng tôn vinh không? Sau thời gian dài, con trở lại Sài Gòn với công việc, cuộc sống của mình. Ngày thành hôn của con không có Ba như người đã hứa, một sự trống vắng vô bờ. Ước gì, người đừng ra đi sớm như thế, Ba ơi! Sau khi lập gia đình, mỗi lần giáp Tết là đám giỗ Ba, chúng con đều về. Thế rồi do công việc, con cái lớn thêm mọi thứ chất chồng hơn, có năm không về giỗ Ba được dù ở không xa mấy. Con thấy mình thật bất hiếu!

NGÀY GIỖ CHA

Con xin lỗi kỳ giỗ này không thể
Về gia đình như tục lệ hằng năm
Mãi bôn ba giữa phố thị thăng trầm
Đành bất hiếu xa tình thâm lần nữa
Cuối tháng chạp trong lòng luôn tự hứa
Sẽ thăm nhà vài bữa dự kỵ Ba
Ngày dần trôi năm cũ hết thế là
Thêm ray rứt thiết tha đầy uất nghẹn
Đời dâu bể cơ may cầu chả bén
Dẫu tâm từ vẫn thẹn với song thân
Mỗi xuân qua dạ xao xuyến tần ngần
Mai vàng nở gợi phân vân tả xiết
Miền tiên cảnh hai khung trời cách biệt
Thầm nguyện cầu Người ấm tiết sang đông
Chốn Tây Phương tỏa rực ánh sáng hồng
Nương cõi Phật kiếp sau không hạ giới...

Dù cõi tạm này ghé qua ngắn ngủi, nhưng Ba để lại biết bao tình cảm yêu thương cho gia đình, với con, người mãi mãi có một vị trí nhất định nơi trái tim hồng.
Bao mùa Vu Lan đã qua, mọi người ai cũng nhớ về Mẹ Cha của mình, con cũng thế, nhớ Mẹ quạnh hiu, nhớ Ba không kém. Nhất là mỗi khi nhìn đôi bông tai mà Ba để lại ngày nào, trước khi người đi vào cõi vĩnh hằng.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Mai Linh - Huệ Hiền

ĐÔI BA ĐỒNG BẠC NGHĨA LÝ GÌ!

ĐÔI BA ĐỒNG BẠC NGHĨA LÝ GÌ!

Hẻm nhỏ, lại là hẻm cụt, có 53 nóc nhà. Tuy 53 nóc nhà nhưng mà tới gần trăm hộ dân, do có mấy căn nhà cũ, hai ba gia đình cùng sống chung.
CÔ GÁI ĐIÊN

CÔ GÁI ĐIÊN

Mấy hôm nay cả khu chợ nhỏ vùng Bến lức cứ ồn ào cả lên , khi có sự xuất hiện của một cô gái điên , áng chừng 24 , 25 tuổi . Quần áo của cô rách tả tơi , tóc tai bù xù , mặt mũi nhem nhuốc...
TRỞ VỀ NƠI BÌNH YÊN

TRỞ VỀ NƠI BÌNH YÊN

Khi tôi về đến nhà, vợ tôi đang dọn bữa tối. Tôi nắm lấy tay em và nói rằng, có chuyện này phải nói với cô ấy. Em ngồi xuống, không nói gì chỉ lặng lẽ ăn. Tôi nhìn thấy nỗi đau trong đôi...
KIẾP SAU EM CHỜ ANH Ở ĐÂU...?

KIẾP SAU EM CHỜ ANH Ở ĐÂU...?

Mùa đông năm ấy thật lạnh, tuyết rơi nhiều khiến mặt đất biến thành một sân trượt tuyết trơn láng. Anh rùng mình khẽ xoa đôi bàn tay lạnh cóng kiên nhẫn ngồi đợi cô đến.
MUỘN

MUỘN

Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng!